HMTU
Đang tải dữ liệu...
Giới thiệu dự án

Tổng quan

  06/12/2012 02:27:31 PM 
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan và chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình “Nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2006-2010” đã được phê duyệt và triển khai từ tháng 3 năm 2007. Chương trình gồm 5 thành phần, trong đó có thành phần 3 là Dự án “Nâng cao năng lực giảng dạy các trường cao đẳng, trung cấp y tế”.

Dự án “Nâng cao năng lực giảng dạy các trường cao đẳng, trung cấp y tế” được xây dựng và triển khai trong bối cảnh đất nước cũng như công tác đào tạo nhân lực nói chung y tế và đào tạo nhân lực Điều dưỡng nói riêng có những thay đổi mạnh mẽ.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ thông qua việc trở thành thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế như: APEC, AFTA, ASEM, WTO, … Trong tiến trình hội nhập đó, Việt Nam đã ký thỏa khung về công nhận lẫn nhau về Điều dưỡng và Bác sĩ đa khoa giữa các nước ASEAN và phải thực hiện nguyên tắc công bố công khai về Chuẩn năng lực của Điều dưỡng.

Hệ thống văn bản về giáo dục và đào tạo đang từng bước hoàn thiện. Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn liên quan lần đầu tiên được ban hành năm 1998 và chỉnh sửa, bổ sung vào năm 2005 năm 2009. Tuy nhiên, các quy định cụ thể trong đào tạo nhân lực y tế vẫn còn nhiều bất cập.

Hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có những bước phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 11 khoa/trường đại học/học viện y dược đào tạo đại học và sau đại học, 3 trường cao đẳng, 56 trường trung cấp (1 trường ngoài công lập) và 3 trung tâm đào tạo (năm 2005) đã phát triển thành 29 khoa/trường đại học/học viện y dược đào tạo đại học và sau đại học (11 đơn vị ngoài công lập), 39 khoa/trường cao đẳng (4 đơn vị ngoài công lập) và 71 cơ sở đào tạo trung cấp (32 đơn vị ngoài công lập).

Về đào tạo Điều dưỡng, các chương trình, tài liệu đào tạo đang từng bước được củng cố nhưng vẫn ảnh hưởng của quá trình đào tạo của bác sĩ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy vẫn còn nhiều bất cập. Đa số các cơ sở đào tạo đều thiếu cán bộ giảng dạy đúng ngành được đào tạo bài bản. Do đó, việc bác sĩ giảng dạy điều dưỡng vẫn còn phổ biến. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Một số trường đã có đơn vị thực hành tiền lâm sàng nhưng không đủ trang thiết bị dạy-học dẫn đến có sự khác biệt rất lớn giữa cơ sở thực hành ở trường so với thực tiễn tại bệnh viện.

Với những đặc điểm trên, Dự án “Nâng cao năng lực giảng dạy các trường cao đẳng, trung cấp y tế” được xây dựng và triển khai là một sự hỗ trợ rất lớn đối với công tác đào tạo cao đẳng, trung cấp y tế của Việt Nam. Dự án do Bộ Y tế quản lý và Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế là chủ Dự án. Tham gia Dự án có 12 trường cao đẳng, trung cấp y tế của Bộ Y tế và các địa phương đại diện cho các vùng kinh tế-xã hội: Cao đẳng Kỹ thuật Y tế I Hải Dương, Cao đẳng Y tế Hà Nội, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Cao đẳng Y tế Phú Thọ, Trung học Y tế Sơn La, Cao đẳng Y tế Huế, Cao đẳng Y tế Quảng Nam, Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, Trung học Y tế Đắc Lắc, Trung học Y tế Bình Dương, Trung học Y tế Cần Thơ và Cao đẳng Y tế Kiên Giang. Theo văn kiện, kinh phí của Dự án gồm 3,942,000.00 Euro là vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan thông qua Đại sứ quán Hà Lan quản lý, khoảng 600,000 Euro là vốn đối ứng của Việt Nam thông qua cơ sở vật chất, nhà cửa, trang thiết bị sẵn có, lương cơ bản cho cán bộ nhân viên tham gia Dự án.

Mục tiêu của Dự án được xác định là: Đến khi kết thúc dự án, 12 trường cao đẳng và trung học y được nâng cao năng lực giảng dạy thực hành để có khả năng đào tạo học sinh, sinh viên có chất lượng và có thể hỗ trợ cho các trường cao đẳng, trung cấp y tế (CĐ/TCYT) khác trong khu vực.

Dự án sẽ tập trung vào các đối tượng sau:

- Các trường thụ hưởng được hỗ trợ nâng cao năng lực giảng dạy về kỹ năng và trang bị các phương tiện cho phòng thực hành tiền lâm sàng.
- Hệ thống quản lý chuyên môn các trường CĐ/TCYT sẽ có công cụ để theo dõi và đánh giá.
- Sinh viên, học sinh các trường CĐ/TCYT hưởng lợi gián tiếp từ phương pháp và các tài liệu giảng dạy/học tập do dự án xây dựng và từ đó họ có thể thu được đầy đủ những kiến thức và kỹ năng.
- Đối tượng hưởng lợi cuối cùng là người dân, những người sẽ sử dụng các dịch vụ y tế từ những cán bộ y tế được đào tạo tốt hơn về kiến thức và kỹ năng.

Sản phẩm đầu ra của Dự án là:

- Xây dựng được bộ tài liệu bao gồm giáo trình và các tài liệu hỗ trợ giảng dạy/học tập các môn Điều dưỡng và Hộ sinh được in và xuất bản trên đĩa CD và chia sẻ trong hệ thống các trường CĐ/TCYT.
- Xây dựng được các ngân hàng đề thi dùng để đánh giá sinh viên trong 12 trường và chia sẻ trong hệ thống các trường CĐ/TCYT.
- Xây dựng được một bộ chỉ số và các yêu cầu trong việc giảng dạy Trung học y tế dùng để theo dõi và kiểm định chất lượng đào tạo ở cơ sở đào tạo trung học y tế.